Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Quan họ - Thơ cô Nguyễn Thị Băng Tâm

"Bồng bềnh mớ bẩy mớ ba 
Đôi mắt sóng sánh như là dao cau 
Nhịp phách lúc khoan lúc mau 
Những câu Quan họ theo nhau cùng về 
Dặt dìu điệu hát say mê 
Lặng lòng xao xuyến tình quê dãi dề 
Sông Cầu nước chảy ven đê 
Người quan họ cứ mải mê đi tìm 
 Những câu hát lặn vào tim 
Thiết tha nhắn nhủ hội Lim ta về"


Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Mắt Thu - Thơ cô Nguyễn Thị Băng Tâm

Trời Thu sóng sánh lá vàng tươi
Trong trẻo tinh khôi mắt biếc cười
Lúng liếng thu đi sao tình thế
Xa rồi mà nhớ mãi khôn nguôi...





Tình yêu màu tím - Thơ cô Nguyễn Thị Băng Tâm

Dù đã bao năm xa nơi đây 
Xin cũng đừng quyên mái trường này 
Bao nhiêu kỷ niệm thân thương quá 
Những tháng năm đèn sách đêm ngày 
Chất chứa một tình yêu màu Tím 
Của tình thầy trò, tình bạn bè 
Chất chứa một tình yêu màu Tím 
Một tình yêu không nói bằng lời 

20.11.2014


Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

CHÚC MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11


TẬP THỂ A3 KÍNH CHÚC CÁC THÀY CÔ GIÁO 
LUÔN MẠNH KHỎE, HẠNH PHÚC, THÂT THẬT NHIỀU NIỀM VUI VÓI NGHÊ!

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày nhà giáo Việt Nam 20/11


Nguồn :http://www.lamsao.com/nguon-goc-va-y-nghia-cua-ngay-nha-giao-viet-nam-p214a28872.html

Ngày 20/11 hàng năm, từ lâu đã trở thành ngày lễ “tôn sư trọng đạo”, ngày nhà giảo Việt Nam, tôn vinh những người thầy, người cô đã và đang đứng trên bục giảng, truyền đạt tri thức và đạo làm người cho bao lớp học trò nối tiếp nhau. Tuy nhiên ngày Nhà giáo Việt nam bắt nguồn từ đâu có lẽ không phải ai cũng biết.

Ngày nhà giáo Việt Nam (hay ngày lễ Hiến chương nhà giáo Việt Nam) là một ngày kỷ niệm được tổ chức hằng năm vào ngày 20 tháng 11 tại Việt Nam. Đây là ngày lễ hội của ngành giáo dục và là ngày "tôn sư trọng đạo" nhằm mục đích tôn vinh những người hoạt động trong nghề giáo. 20/11 hàng năm là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn với những người thầy. Trong ngày này, các học sinh thường đến tặng những bó hoa tươi thắm nhất thể hiện lòng tri ân với các thầy cô giáo.

Ngày Nhà giáo Việt Nam được bắt nguồn từ sự kiện vô cùng ý nghĩa. Lịch sử của ngày 20/11 được bắt đầu từ một Tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ thành lập ở Paris, Pháp vào tháng 7/1946 lấy tên là F.I.S.E (Fédertion International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục). Nǎm 1949 tại hội nghị Vacsxava, Ba Lan, tổ chức FISE đã xây dựng một bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục tiến bộ" bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.

Trong những nǎm kháng hiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn giáo dục Việt Nam đã quan hệ với tổ chức FISE để tranh thủ các diễn đàn quốc tế tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh đồng thời giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của giáo giới trên toàn thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn Giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Như vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập (22/7/1951), Công đoàn giáo dục Việt Nam được kết nạp là một thành viên của FISE.

Bắt đầu từ 1958, ngày 20/11 được chính thức trở thành Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Từ 26 đến 30/8/1957 tại thủ đô Vacxava, có 57 nước tham dự hội nghị FISE. Trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam. Đoàn Việt Nam đã quyết định lấy ngày 20/11/1958 làm ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Ngày này, lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta vào năm 1958. Những nǎm sau đó, ngày này cũng được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam. Hàng nǎm vào dịp kỷ niệm 20-11, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong vùng tạm chiếm, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ của anh chị em, giáo viên kháng chiến.

Sau ngày đất nước được thống nhất, giáo giới Việt Nam đoàn kết nhất trí xây dựng nền giáo dục theo đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ý nghĩa của Quốc tế hiến chương các nhà giáo đã hoàn thành sứ mạng lịch sử với giáo giới Việt Nam. Và ngày 20/11 đã trở thành ngày truyền thống với mọi nội dung của giáo giới Việt Nam và nhân Việt Nam.

Ngày 20/11 hàng năm đã trở thành dịp đặc biệt để những cô cậu học trò thể hiện tình cảm với những người đã luôn tận tình truyền đạt kiến thức, dìu dắt mình lớn lên. Đó là thời gian để suy ngẫm, để nhớ về những kỉ niệm với thầy cô đáng kính, là những hình ảnh thân thương, không thể nào quên... sẽ mãi theo chúng ta trên bước đường đời.

Dù còn ở tuổi cắp sách tới trường, hay đã trưởng thành rời ghế nhà trường, mỗi người Việt Nam vẫn luôn hướng đến ngày 20/11 với truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Tôn sư trọng đạo; Không thầy đố mày làm nên; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.

Hãy ghi nhớ công ơn thầy cô và làm những điều tuyệt vời nhất như những bông hoa tươi thắm kính tặng thầy cô của chúng ta!

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

XIN.... (Chiều Tím)

Hanh hao mỗi độ Thu tàn 
Không gian khắc khoải miên man đất trời 
Lá vàng chẳng nỡ buông lơi 
Mây buồn len lén cuối trời chặn Đông 
Ngậm ngùi sắc sắc không không 
Quặn lòng dõi cánh nhạn hồng theo nhau 
Tiếc Thu nhạt nắng phai màu 
Nhớ Thu rả rích giọt ngâu ngang trời 
Gió nâng tiếc nuối chơi vơi 
Xin vương sợi nắng đủ ngời sắc Thu.